Lượt xem: 922
HỘI THẢO ĐẦU BỜ MÔ HÌNH SẢN XUẤT LÚA ĐẶC SẢN RVT THEO HƯỚNG AN TOÀN TẠI XÃ KẾ AN
24/04/2019
Sáng ngày 20/4/2019,
tại Hợp tác xã nông nghiệp số I, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kế Sách phối
hợp cùng Ủy ban nhân dân xã Kế An tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa
đặc sản RVT theo hướng an toàn. Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm Khuyến
nông Sóc Trăng, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm
Trồng trọt và BVTV huyện Kế Sách, lãnh đạo UBND xã Kế An, đại diện các HTX lân
cận và đông đảo thành viên trong hợp tác
xã (HTX) nông nghiệp số I tham dự. Tham dự hội thảo còn có đại diện công ty sản
xuất phân hữu cơ Nguyên Nông.
Các đại biểu đã tham
quan thực tế đồng ruộng của 4 nông dân thực hiện mô hình với quy mô 5 ha. Ông Huỳnh
Văn Hải ,Phó giám đốc HTX nông nghiệp số I, đại diện các chủ ruộng thực hiện mô
hình cho biết, ruộng được sử dụng giống RVT cấp xác nhận. Điểm khác biệt so với tập quán canh tác là
ruộng mô hình sạ thưa, bón lót phân hữu cơ (dạng viên), bón phân hóa học theo
màu lá lúa nhằm giảm lượng phân hóa học và chi phí sử dụng thuốc. Cụ thể: Gieo
sạ với lượng giống 100 kg/ha; sử dụng phân hữu cơ 200 kg/ha, phân vô cơ 500
kg/ha (giảm gần 42% so với đối chứng); số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm
33,33% so với đối chứng. Năng suất trung
bình ước tính đạt 7 tấn/ha, tương đương với ruộng sản xuất theo tập quán của
nông dân. Tuy nhiên, nhờ bộ lá còn xanh tốt nên ruộng mô hình có tỷ lệ hạt chắc
cao, hạt no hơn, màu sắc hạt vàng sáng hơn.Theo dõi suốt vụ lúa, các nông dân cũng
đưa ra nhận xét ở ruộng mô hình cây lúa có bộ rễ phát triển mạnh, nhiều rễ, rễ
ăn sâu xuống mặt ruộng, chống chịu được với bù lạch tốt hơn, mật độ rầy ít; ít
nhiễm bệnh hơn.
So sánh về hiệu quả
kinh tế giữa sản xuất theo mô hình và đối chứng, ông Nguyễn Văn Thống (thành
viên HTX, chủ ruộng thực hiện mô hình)
cho biết thêm. Tổng chi phí của ruộng mô hình và đối chứng lần lượt là 17.470.000
đồng/ha và 26.401.200 đồng/ha, ruộng mô hình tiết kiệm được 8.931.200 đồng/ha
chi phí sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất tương đương nhau
nên tổng thu cả hai ruộng đạt 45.150.000 đồng/ha. Lợi nhuận của ruộng mô hình
là 27.680.000 đồng/ha, ruộng đối chứng là 18.748.800 đồng/ha. Lợi nhuận của
ruộng mô hình cao hơn 8.931.200 đồng/ha.
Các đại biểu sau khi
được “mắt thấy, tai nghe” đều cho rằng mô hình có tính thuyết phục cao và nhận
định thêm rằng bên cạnh hiệu quả kinh tế, canh tác theo hướng an toàn còn đem
lại hiệu quả về sức khỏe và môi trường (môi trường và sức khỏe người nông dân
bớt bị độc hại; đất tơi xốp, được bổ sung dinh dưỡng trung, vi lượng…).
Phát biểu trong hội
thảo, ông Trần Văn Kiệt, chủ tịch UBND xã Kế An đề nghị HTX nhân rộng mô hình
trong khu vực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân. Ông cũng lưu ý HTX
cần tổ chức sản xuất, áp dụng biện pháp canh tác thích hợp để tạo ra lượng sản
phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về phẩm cấp và chất lượng để việc liên kết
tiêu thụ được thuận lợi.
Nhân dịp này, lãnh đạo
Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng trao đổi với các đại biểu về cơ sở khoa học của
việc giảm chi phí, tăng chất lượng của lúa thơm khi bón phân hữu cơ; lưu ý về
thời vụ và cơ cấu giống lúa và sâu bệnh trong vụ Hè thu 2019 sắp tới. Cũng dịp
này, Phòng Nông nghiệp và PTNTđã hỗ trợ các HTX và tổ hợp tác giấy đo độ chua
(độ pH) để phục vụ cho sản xuất trong lãnh vực trồng trọt.
Trong sản xuất lúa,
việc chuyển đổi theo hướng sử dụng giống lúa thơm, lúa đặc sản và áp dụng khoa
học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân là nội dung quan
trọng đề án tái cơ cấu trong nông nghiệp. Mô hình sản xuất lúa đặc sản RVT theo
hướng an toàn là một trong các nội dung tái cơ cấu trong sản xuất lúa ở huyện
Kế Sách./.
Vũ Bá Quan – Phòng
Nông nghiệp và PTNT Kế Sách